Khi nghe những câu chuyện này, nhiều người sẽ không còn ghét những vết sẹo nữa, đơn giản là vì chúng cũng có tâm tư.
Đối với nhiều người, hình xăm có thể là một thứ ghê gớm và kỳ dị vì ít nhiều nó cũng khác biệt so với làn da cha sinh mẹ đẻ. Thế nhưng, ở xã hội hiện đại và cởi mở như ngày nay, người ta không chỉ dùng hình xăm để thể hiện cá tính mà còn coi đó như là chiếc sticker giúp che đi những vết sẹo xấu xí, những niềm đau và đôi khi là cả một trời kỷ niệm buồn muốn quên đi trong quá khứ.
Ở Hà Nội, có một cô gái tên là Trần Bích Ngọc (Ngọc Like) thời gian gần đây đang nổi đình đám khắp các ngõ ngách với biệt tài xăm lên những vùng sẹo tạo tấm “bình phong” che đi vẻ xấu xí trên da. Cô nàng được nhiều người ưu ái đặt cho cái tên “phù thủy xăm sẹo” vì là cứu cánh cho những ai không muốn nhìn thấy trên da mình có vệt khác lạ.
Trần Bích Ngọc (Ngọc Like), cô gái đang được rất nhiều người yêu mến vì biệt tài xăm lên những vết sẹo.
Trở thành người xăm sẹo một cách tình cờ
Ngọc xăm sẹo rất đẹp, không bị co kéo và màu sắc khi lên rất tươi tắn. Bình thường, thợ xăm nào hầu như cũng chỉ thích những vùng da láng mịn, lỗ chân lông nhỏ thì để hình xăm đạt độ đẹp gần như tuyệt đối nhưng với Ngọc thì không, cái lạ của cô nàng là luôn có cảm hứng nhiều hơn nếu được “tác nghiệp” trên những vùng da xấu xí, gồ ghề thay vì những nơi màu mỡ, bằng phẳng.
“Em làm xăm đến nay đã được 8 năm rồi, hồi đầu mới vào nghề thì thực ra là em không làm sẹo và cũng chưa bao giờ có định hướng gì cả. Những gì đưa đến bây giờ chỉ là cơ duyên thôi, kiểu ở lâu lên lão làng, em làm nhiều quá thì thành quen thôi. (cười).
Tính em cứ cái gì khó em sẽ đều thích, em không muốn trải nghiệm của mình luôn đi qua những thứ quá dễ dàng. Xăm sẹo tức là mình sẽ xăm lên những mảng da không bao giờ bình thường, đó là những khu vực đầy bất ngờ vì có chỗ lõm sâu, chỗ lồi cao, độ dày mỏng không đều. Mỗi khi di kim qua những vết đó, phản ứng của khách cũng không giống nhau và người thợ xăm sẽ phải để ý đến nó khá nhiều”.
Trong phòng làm việc của Ngọc, cô nàng trang bị mọi thứ khá đơn giản. Có một chiếc ghế nằm dành cho khách và chiếc ghế đẩu cao dành cho Ngọc. Đồ nghề bên cạnh là những hộp mực, kim xăm và một số phụ kiện khác. Thế mà từ không gian đó, Ngọc đã giúp rất nhiều người bớt bất mãn hơn với cuộc đời.
Không gian phòng xăm của Ngọc.
Khách hàng của Ngọc hôm nay là chị Thu (Hà Nội) đến xăm che vết sẹo mổ đã được 5 năm.
Một số góc ở nơi sáng tạo của Ngọc.
Khi đến với Ngọc, mỗi người đều mang theo những câu chuyện và dường như căn phòng nhỏ ấy chính là nơi tuyệt mật để người ta thoải mái trút bỏ hết những ưu tư. Chẳng có ai sẵn sàng kể về những nỗi đau, những khuyết điểm trên cơ thể nhưng khi gặp Ngọc thì điều đầu tiên các khách hàng làm chính là kể chuyện. Họ nói về nguyên nhân vì sao có sẹo, đau khổ như thế nào khi có sẹo và cảm giác của họ ra sao, mong muốn thế nào để được đẹp hơn sau khi che đi vết ký ức đó.
“Không có vết sẹo nào được tạo ra từ những tình huống giống nhau cả. Có người bị tai nạn, bị bệnh tật nhưng cũng có vô số người bị “tai bay vạ gió” rạch nhầm chỗ trên bàn mổ. Có một khách hàng đến với em trong tình trạng có sẹo dọc phần bụng khi ngày xưa đau quá vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán dạ dày nhưng khi mổ ra mới biết là do tử cung.
Nói không ngoa thì Ngọc ngoài việc là thợ xăm thì còn đóng luôn vai trò là “người nghe kể chuyện”.
Những vết sẹo cũng có cảm giác khác nhau, có vết rất đau nhưng lại cũng có những vết mất cảm giác hoàn toàn. Có người khi di kim vào thì không chịu nổi nhưng có người lại cảm thấy dễ chịu vì bình thường sẹo luôn gây ngứa mỗi khi thay đổi thời tiết và lắm lúc chỉ muốn dùng cái gì đó đâm vào cho đỡ khó chịu.
Đặc biệt với chị em phụ nữ thì mổ đẻ là vết sẹo họ quan tâm khá nhiều. Có những người chỉ có sẹo nhỏ như đường chỉ may nhưng lại có trường hợp bị lồi hẳn lên, hoặc lồi lõm kết hợp. Nhiều chị khi đến với em thì em thấy là sẹo của họ không xấu so với nhiều người khác nhưng tiêu chuẩn cái đẹp của các chị ấy thì lại cho rằng nó không đẹp nên vẫn xăm. Họ cũng có những nỗi niềm chuyện chồng con và vô vàn điều tế nhị khác để kể với em”.
Vết sẹo mổ của chị Thu không quá xấu, chị cũng không gặp vấn đề với chồng nhưng bản thân chị thì không thích lắm nên chị vẫn xăm để che đi.
Làm nghề xăm này, Ngọc có lẽ nên được phong biệt danh “người chuyên nghe kể chuyện”. Đến nơi Ngọc làm và tâm sự một chút, cô nàng có kể về lần xăm cho một cô gái trẻ từng dùng dao tự tử đến mức để lại vô số vết hằn nơi cổ tay. Ngọc cho biết, cô bé đó sinh ra trong một gia đình khá nghiêm khắc, bị bố mẹ quản thúc chặt chẽ đến mức chơi với ai cũng là một đề tài cần thảo luận. Mọi người ghê gớm đến mức có một lần cô bé được bạn khác giới chở về sau giờ học cũng quát mắng, thậm chí là đánh. Cô bé có chị gái nhưng chị gái cũng từ chối hiểu. Tất cả rơi vào bế tắc.
Cho đến một ngày, khi không thể chịu nổi nữa, cô bé đã dùng dao cứa vô số vết vào cổ tay. Nhìn vết sẹo đã chuyển sang màu trắng, Ngọc đoán chuyện đó đã xảy ra cỡ 10 năm về trước nhưng có vẻ nó vẫn để lại trong tim cô bé một vết hằn thật sâu. Và cũng may, ngày đó bố mẹ đã kịp đưa con gái đi cấp cứu và thay đổi cách giao tiếp thì mới có ngày hôm nay là một người trưởng thành rất xinh xắn, điềm tĩnh và sâu sắc.
Rất nhiều câu chuyện từ bi thương cho đến lạ kỳ, Ngọc đều đã được nghe…
Những vết sẹo biết kể chuyện
Vết bỏng sau một cuộc vui
Đó là một khách hàng nữ người Đà Nẵng đến với Ngọc. Chị kể rằng hồi đó mới đi làm được một thời gian ngắn thì công ty đi liên hoan, ăn lẩu. Vừa mới châm lửa thì cồn bùng lên bắt vào người chị, chị là nạn nhân duy nhất trong tai nạn này. Hồi đó còn rất trẻ nên chị đã trải qua một thời gian vô cùng khó khăn để chấp nhận và chung sống với vết sẹo vằn vện trên cơ thể.
Từ ngày còn con gái, chị đã hẹn Ngọc để xăm nhưng cho đến tận lúc lấy chồng, sinh con, con đủ cứng cáp thì mới bế đi cùng. Chị may mắn vì tìm được một người chồng yêu thương chị và không hề để ý đến vết sẹo kia. Những bông hoa đào có màu sắc tươi tắn được xăm lên giúp che đi từng vùng sẹo bỏng rõ nét trên cơ thể đã giúp chị vui và hạnh phúc với cuộc sống này nhiều lắm.
Vết sẹo bỏng được che đi bằng những cánh hoa đào.
20 năm không thể mặc váy
Hình xăm vết sẹo hơn 20 năm ở chân của chị khách hàng tên Thủy được hoàn thành sau 19 giờ đồng hồ tác nghiệp. Lúc trước, vì vết sẹo loang quá rộng ở chân, Thủy chưa từng biết đến cảm giác mặc váy ngắn hay quần đùi là gì. Lấy chồng, sinh con, Thủy cũng may mắn có được người đàn ông biết cảm thông. Ngày chị từ Quảng Ninh lên Hà Nội xăm sẹo, chính anh đã đưa chị đi.
Chị khách hàng gọi Ngọc là “chân lý” vì đã thay đổi cuộc đời cho chị. Chị Thủy cũng là nhân vật xuất hiện trong chương trình được VTV1 đến ghi hình ngay tại phòng xăm của Ngọc.
Một hình xăm ấn tượng giúp chủ nhân của nó có thể mặc váy tự tin hơn.
Người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh
Con trai của anh đã ra đi vĩnh viễn sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, để lại vết thương hằn sâu trong lòng người cha. Anh biết đến Ngọc qua lời giới thiệu của một người bạn, mỗi lần anh đến cách nhau vài tháng và các hình xăm đều tưởng nhớ về cậu con trai đã khuất của anh. Chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con. Lần nào gặp cũng vậy, đôi mắt anh vẫn sâu thăm thẳm, trầm lặng với nỗi buồn chưa thể vơi.
Lần đầu anh đến xăm tên bé, nhưng một cái tên thôi chưa đủ, anh muốn xăm chân dung bé để cảm nhận rằng bé sẽ luôn ở bên anh, luôn cười tươi vui vẻ, hồn nhiên không chút ưu phiền và cũng chẳng còn bị giày vò vì bệnh tật… Thôi thì hãy tin rằng con đã đến một thế giới khác tốt đẹp hơn, và ở nơi ấy con hãy nhớ: “Bố luôn yêu con!”